• Giỏ hàng 0

LƯU Ý KHI SỬA NHÀ CẤP 4 THÀNH NHÀ LẦU, 2 TẦNG VÀ GÁC LỬNG

29/03/2023

TẠI SAO NGƯỜI TA CẦN SỬA NHÀ CẤP 4 THÀNH NHÀ LẦU?

Nhà cấp 4 ở nước ta thường chỉ có 1 tầng, phòng được ngăn cách bằng các bức tường. Mái nhà bằng tôn hoặc ngói và được làm theo hình tam giác.

Nhà cấp 4 trong khu dân cư thường sẽ bị thiếu khí và ánh sáng do không có nhiều khoảng trống, chỗ thông hơi.

Hơn nữa, theo thời gian, các gia đình sẽ có xu hướng tăng thêm nhiều thành viên, khiến không gian sinh hoạt trở nên chật chội và không còn tiện nghi như trước nữa. Đó chính là lý do tại sao nhiều người muốn sửa nhà cấp 4 thành nhà có gác lửng hoặc từ 1 đến 2 tầng.

Nhà cấp 4 thường chỉ có 1 tầng, mái nhà bằng tôn hoặc ngói

QUY TRÌNH SỬA NHÀ CẤP 4 THÀNH NHÀ LẦU

Kiểm tra kết cấu nhà trước khi quyết định sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu

Đối với những ngôi nhà đã sử dụng được nhiều năm, bạn nên nhờ các chuyên gia hoặc kiến trúc sư có kinh nghiệm kiểm tra kết cấu, hiện trạng trước. Đặc biệt là kiểm tra móng, tường bao quanh, cột, dầm,… Tốt nhất là bạn nên tìm lại bản vẽ thiết kế nhà cấp 4 cũ và nhờ chuyên gia phân tích, đánh giá. Điều này sẽ giúp bản thiết kế nhà mới được chính xác về kỹ thuật, đảm bảo an toàn trước khi sửa chữa.

Sau khi kiểm tra xong, kiến trúc sư sẽ cho biết tình trạng của từng bộ phận, kết cấu. Từ đó có những hướng giải quyết, khắc phục trước khi cải tạo nhà. Bởi vấn đề sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu rất khác so với việc đập đi, xây lại hoàn toàn. Nền móng, hệ thống cột, dầm có thể được tận dụng lại để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên, nếu có vấn đề thì cần phải xử lý hoặc làm mới ngay.

Triển khai bản vẽ mới

Sau khi toàn bộ kết cấu, hiện trạng ngôi nhà đã được kiểm tra và thẩm định, kiến trúc sư sẽ triển khai bản vẽ mới. Tùy vào nhu cầu xây gác lửng, nâng thêm 1 hay 2 tầng sẽ có bản vẽ phù hợp, tuy nhiên, vẫn dựa trên hệ thống khung cơ bản đã có sẵn.

Sau khi toàn bộ kết cấu, hiện trạng ngôi nhà đã được kiểm tra và thẩm định, kiến trúc sư sẽ triển khai bản vẽ mới

Cân đối tài chính khi bắt đầu sửa nhà

Sau khi nhận được bản vẽ thiết kế nhà mới, bạn nên kiểm tra lại và cân đối tài chính trước khi bắt tay vào bước sửa chữa đầu tiên. Nếu không có nhiều kinh nghiệm, hãy nhờ kiến trúc sư tư vấn để khái quát được tổng chi phí mình sẽ bỏ ra trong quá trình cải tạo nhà. Nếu nguồn ngân sách eo hẹp thì hãy tính toán thật kỹ lưỡng, xem có cần cắt giảm hạng mục nào hay không.

Bước này cực kỳ quan trọng, giúp bạn hình dung được bức tranh chi phí tổng thể và có thể kiểm soát trong suốt quá trình sửa nhà. Nhờ đó, tránh được tình huống đội chi phí về sau.

Xin giấy phép xây dựng trước khi sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu

Để bắt đầu khởi công, bạn cần phải xin giấy phép xây dựng trước, tránh những rắc rối pháp lý có thể xảy ra. Đối với công trình sửa chữa không nâng thêm chiều cao tầng, làm thêm diện tích sử dụng hay thay đổi kết cấu thì xin ở phường. Các công trình còn lại có thể được cấp ở quận hoặc thành phố.

Đối với sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu, thuộc trường hợp thay đổi kết cấu và tăng thêm diện tích sử dụng thì xin ở văn phòng cấp quận, thành phố.

Chọn nhà thầu

Để có được một ngôi nhà sau khi cải tạo chắc chắn, an toàn, đạt tính thẩm mỹ cao, đòi hỏi đội ngũ xây dựng phải thực sự lành nghề, uy tín. Tuyệt đối không nên chọn thầu khoán lẻ tẻ, sẽ khó kiểm soát được chất lượng và quy trách nhiệm nếu gặp sự cố về sau này.

Bạn nên chọn các nhà thầu uy tín, có kỹ sư chuyên môn giám sát trực tiếp trong suốt thời gian thi công.

Hãy chọn nhà thầu uy tín, cam kết rõ ràng và có kỹ sư hiện trường giám sát trong suốt quá trình thi công

LƯU Ý KHI SỬA NHÀ CẤP 4 THÀNH NHÀ 1 TẦNG, 2 TẦNG HAY GÁC LỬNG

Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước để chuẩn bị cho việc sửa nhà cấp 4 thành nhà 2 tầng, gác lửng hay 1 lầu, bước tiếp theo đó là tiến hành sửa nhà. Cùng điểm qua một số lưu ý khi sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu sau đây để việc thi công thuận lợi hơn nhé!

Thay đổi thiết kế

Bạn chỉ có thể thay đổi bố cục ngăn chia giữa các phòng chứ tuyệt đối không nên phá bỏ cột, dầm hay dời hệ thống chịu lực sang nơi khác. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực, gây ra những tai nạn không đáng có.

Thiết kế theo phong thủy

Đối với các gia đình thuộc văn hóa phương Đông, phong thủy luôn là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Người ta luôn tâm niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy, trước khi bắt đầu sửa nhà, bạn cũng nên tham khảo một số vấn đề phong thủy. Để tránh việc chạm vào “long mạch” của ngôi nhà hay bố trí các phòng chức năng sai phong thủy, dẫn đến những điềm xui rủi, không may mắn trong tương lai.

Xây tường phân chia khu vực sinh hoạt

Tường phân chia khu vực ở tầng trên chỉ nên xây vào các đường dầm trần của tầng dưới để tránh việc làm võng sàn, rất khó sửa chữa về sau này.

Một số lưu ý quan trọng khác

Khi tiến hành sửa nhà, bạn nên chọn những thiết kế nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể tải trọng mà hệ thống cột, dầm cũ phải chịu đựng.

Thiết kế hệ thống cửa, giếng trời sao cho có thể lấy được ánh sáng và không khí tự nhiên vào nhà, giúp không gian thoáng đãng, tiết kiệm chi phí đèn điện vào ban ngày.

Ngoài ra, để giảm chi phí vật tư và tải trọng của toàn bộ công trình, bạn có thể thay thế vật liệu truyền thống bằng vật liệu siêu nhẹ với tính năng bền, đẹp, chịu lực tốt và chống thấm cao. Đồng thời, đáp ứng được tính thẩm mỹ cho toàn bộ công trình. Đây sẽ là một gợi ý hay ho, vừa giúp nới rộng không gian sinh hoạt, vừa tiết kiệm chi phí xây dựng đáng kể.

Trên đây là toàn bộ thông tin và lưu ý khi tiến hành sửa nhà cấp 4 thành nhà lầu cực quan trọng không thể bỏ qua. Công cuộc cải tạo nhà là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng bước tiến hành cũng như những chi tiết nhỏ. Đừng bỏ qua những lời khuyên hữu ích trong bài trên khi sửa chữa nhà bạn nhé!